Tại sao doanh nghiệp khi mua bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên lại không bị tính vào thuế thu nhập doanh nghiệp?
Điều 3.3 Thông tư 25/2018/TT-BTC quy định rằng nếu một doanh nghiệp mua bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên thì chỉ được miễn thuế nếu nó không vượt quá 3 triệu đồng/tháng/người. Phần vượt quá sẽ không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi đang có, có vẻ như quy định này đang được thả lỏng. Một giám đốc mua một bảo hiểm nhân thọ trị giá 1 tỷ đồng thì vẫn tính chi tiêu cho công ty là 1 tỷ đồng, dù sau này khi đáo hạn thì tiền này sẽ trở thành tiền cá nhân của họ. Liệu có chỉ thị nào đó đè lên cái thông tư này không? Chúng tôi không có thông tin, nhưng chúng tôi có giả thuyết để lý giải hiện tượng này.
[!Important] Lưu ý
Những thông tin trong đây đến từ một nguồn thân tín đã có những trải nghiệm trong việc bán sản phẩm này. Điều này có nghĩa là các phát biểu trong đây có khả năng bị thiên lệch và khó tìm được dữ kiện công khai. Có những phát biểu chúng tôi cũng nghi ngờ độ chính xác vì có vẻ mâu thuẫn với những bằng chứng khác, nhưng chúng tôi chưa có điều kiện để chất vấn. Chúng tôi vẫn sử dụng vì chúng vẫn có vẻ hợp lý và hữu ích. Chúng tôi nỗ lực trong khả năng để kiểm tra lại các lập luận trong đây.
Các công ty có nhiều cách để trốn thuế. Chẳng hạn, để tận dụng việc nhà nước ưu đãi hoặc không thu thuế trong 3, 4 năm đầu, người ta đẻ công ty con rồi phá sản liên tục. Hoặc để được tính như một chi phí vận hành doanh nghiệp, họ có thể mua hoá đơn giả hoặc giả vờ chi tiêu để có hoá đơn mang về. Hoặc thưởng giả cho nhân sự, hoặc giả bảo hiểm xã hội. Nhà nước biết những điều này nhưng không thể kiểm soát được. Chính vì vậy họ cần một cách để dung hoà cho cả hai bên để vẫn tốt cho cả hai. Một bên được giảm thuế, một bên không phải giải quyết đống hậu quả để lại. Một giải pháp như Thịnh An Phát sẽ thoả mãn được đôi bên.
Hãy quay lại cách một công ty bảo hiểm được thành lập. Để mở bán một sản phẩm bảo hiểm, họ cần kí quỹ một khoảng tiền trước cho nhà nước, để nếu như công ty phá sản thì nhà nước sẽ đứng ra chi trả cho khách hàng. Tuỳ theo mức đóng mà công ty sẽ được bán bao nhiêu sản phẩm. Giả sử để được bán 50 hợp đồng Thịnh An Phát, Cathay phải cống nạp quỹ này 100 tỷ. Số tiền này có thể xem như một phần thuế đóng trước của bên mua sản phẩm này. Nên việc này giống như đi mua một tín chỉ carbon vậy: bạn nghĩ là bạn thoát khỏi việc phải đóng thuế, nhưng thực ra là do Cathay đã phải đóng một phần tiền tương đương với thuế của bạn rồi.
Quyết định 07/QĐ-TTg 2023 Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam 2030 đặt chỉ tiêu đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, đến năm 2030 có 18% dân số tham gia. Tức là vẫn còn thấp. Đến như Mỹ với 50% dân số đã mua bảo hiểm mà vẫn còn bị xem là thấp. Trong bối cảnh cần tìm những cách thức để bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội không bị quá tải, nhà nước cần sự hợp sức từ các công ty bảo hiểm. Và một trong những cách đó là khuyến khích các công ty mua bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên.
Cần nhớ rằng sản phẩm này được bán một cách đường hoàng, đúng luật chứ không phải là bán chui. Có doanh nghiệp mua một lần 16 cái hợp đồng như vậy. Tháng vừa qua Cathay về rất nhiều hợp đồng này dù chưa tới chương trình tặng vàng, vì nhiều công ty cần tất toán thuế cuối năm, chứ mấy chỉ vàng khuyến mãi chẳng đáng là bao. Và tại sao chương trình khuyến mãi lại chạy đến hết tháng 2? Vì tháng 3 là hạn chót để doanh nghiệp quyết toán thuế.
Vậy thì mấy chỉ vàng này dùng để làm gì? Để cắt hoa hồng cho khách. Có thể dùng nó để hối lộ kế toán, để kế toán thuyết phục giám đốc quyết định mua sản phẩm này. Luật cấm đại lý trích hoa hồng để giảm giá, nhưng ai kiểm tra được điều này.
Những ai làm doanh nghiệp chắc cũng ít khi nghe thấy quảng cáo sản phẩm này. Tại sao Cathay không quảng cáo nhiều hơn? Vì vốn dĩ cái này chỉ dành cho ai có tiền, mà người có tiền người ta không cần nghe quảng cáo. Người ta cần thấy lợi ích. Hơn nữa quảng cáo cần phải dễ hiểu, nghe cái biết mình có cần hay không. Còn với những thứ phức tạp thì cần đại lý đi tiếp thị.
Nhưng lý do quan trọng hơn, là một sản phẩm như An Thịnh Phát sẽ chiếm phần tiền mà đáng lẽ ngân hàng có thể huy động được. Quan sát thị trường bảo hiểm nhân thọ và ngân hàng, bạn sẽ thấy thành phần tham gia khá khác nhau. Với bảo hiểm, có lẽ chỉ có duy nhất Bảo Việt là thuộc nhà nước, các công ty còn lại đều là công ty tư nhân đến từ nước ngoài. Còn với ngân hàng thì gần như tất cả đều thuộc nhà nước. Ngân hàng chính là kênh huy động tiền của nhà nước. Nên một mặt, nhà nước phải chấp nhận vẽ đường cho doanh nghiệp trốn thuế, nhưng mặt khác cũng không được để bảo hiểm làm ảnh hưởng đến lợi ích huy động vốn của ngân hàng. Họ phải chấp nhận đánh đổi để đạt được các mục tiêu khác nhau một cách tối ưu. Trong trường hợp này, họ cho phép có công ty bán sản phẩm này, nhưng không muốn cho nhiều người biết đến.
Nhưng nếu vậy thì đáng lẽ phải là Bảo Việt bán sản phẩm này chứ không phải là Cathay chứ? Có thể chính vì trực thuộc nhà nước, nên thay vì nó có thêm lợi thế để bán sản phẩm này, nó đã bị quy hoạch ngay từ đầu để không làm ảnh hưởng đến lợi ích huy động của ngân hàng. Vậy tại sao các công ty tư nhân khác không nhảy vô làm sản phẩm này? Các lý giải có thể là:
- Họ không thấy việc phải đóng nhiều tiền kí quỹ cho sản phẩm này phù hợp với chiến lược của họ
- Bộ muốn hạn chế cách làm này nên chỉ cho phép một công ty, và Cathay là công ty được chọn vào thời điểm đó
- Cathay là công ty Đài Loan và có các chương trình hỗ trợ cô dâu Việt ở Đài Loan. Có thể ở đây có một lợi ích phi lợi nhuận nào đó
Hoặc đơn giản là các công ty khác cũng có làm sản phẩm này mà chúng tôi không biết. Tất cả chỉ là đoán mò.